Vào các ngày nghỉ cuối tuần, người dân đô thị thường có nhu cầu du lịch dã ngoại ra các vùng ven với khoảng cách không quá xa, khoảng trên dưới 100 km trở lại, để có thể đi về trong ngày, hoặc 2 ngày. Ngoài những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các bãi tắm, khu nghỉ dưỡng..., xu hướng bây giờ của không ít người là muốn tìm về với ruộng vườn, cây trái để hòa mình vào thiên nhiên xanh. Chính vì vậy, những năm gần đây, các tour du lịch tham quan nhà vườn luôn hút khách. Nhu cầu này đang “kích cầu” không chỉ những đơn vị lữ hành mà còn khiến người nông dân miệt vườn cũng có dấu hiệu “ăn nên làm ra” hơn rất nhiều so với quy trình trồng cây chỉ bán trái như truyền thống xưa kia...
.jpg)
Vườn trái cây làm du lịch đang mang lại giá trị kinh tế cao
Phong trào nhà vườn liên kết làm du lịch
Còn nhớ, cách đây chừng 5 năm khi đến với “thủ phủ” nổi tiếng của trái chôm chôm Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, mô hình du lịch cũng chỉ mới phôi thai khi có vài hộ đứng lên tự tổ chức bán vé thu tiền, hướng dẫn khách tham quan đến thăm vườn. Cách làm mới này có thu nhập cao hơn quy trình truyền thống là trồng cây bán trái, đã khiến cho rất nhiều hộ... bắt chước làm theo. Bà Lê Thị Hà (P.Xuân Tân, Tp.Long Khánh) chia sẻ, “Cách đây 4 năm, khi thấy gia đình nhà hàng xóm trồng chôm chôm liên kết với một người khác trong phường để khai thác du lịch cho khách tham quan vào mùa chôm chôm chín, mang lại thu nhập khá cao, cao hơn vài lần so với việc trồng để bán trái, nên tôi đã quy hoạch chỉnh trang vườn chôm chôm của mình với diện tích 2 héc ta để liên kết làm du lịch. Rồi chẳng riêng nhà hàng xóm, nhà tôi, mà nhiều hộ dân quanh ấp, trong phường có vườn rộng họ cũng làm theo mô hình này...”.
Cũng dùng vườn nhà liên kết làm du lịch được 4 năm nay, ông Trần Văn Tân (ấp Cây Đa, xã Bình Lộc, Tp. Long Khánh) cho hay, “Thực ra thì trước đó vài năm cũng đã có đứa cháu đứng lên tổ chức làm du lịch cho khách thăm vườn nói tôi làm theo mô hình này, nhưng tôi từ chối vì chẳng hiểu nó sẽ như thế nào. Thế nhưng, vài năm sau thấy mô hình làm du lịch vườn trái cây của các hộ xung quanh hiệu quả, vừa nhàn hạ, lại có thu nhập cao hơn kiểu bán trái truyền thống nên tôi đồng ý để người cháu làm theo. Vườn nhà tôi rộng vài héc ta, với không chỉ có chôm chôm, bưởi da xanh, mà còn có cả mít Thái, sầu riêng, ổi, cóc..., nên khách tới vào thời khắc nào hầu như là cũng có trái để ngắm, để hái ăn!”.
Không riêng gì những gia đình có diện tích vườn rộng lớn với cây ăn trái đa dạng, mà nhiều các hộ dân có diện tích vườn nhỏ, chỉ độ vài ba sào, cây trái chỉ một vài loại thôi, nhưng họ cũng liên kết với các nhà vườn hàng xóm kế bên để cho khách vào tham quan. Anh Nguyễn văn Hợp (xã Hàng Gòn, Long Khánh), chia sẻ rằng, nhà anh vườn chỉ có khoảng 4.000m2 và chỉ chuyên trồng sầu riêng, nhưng khi phong trào làm du lịch nhà vườn phát triển, anh Hợp đã rủ 3 nhà hàng xóm cùng có diện tích vườn không lớn liên kết lại với nhau để tạo thành một khu vườn lớn phục vụ khách thăm quan. Anh Hợp kể: “Nhà tôi thì sầu riêng, một nhà thì diện tích cỡ 5.000m2 chuyên chôm chôm; nhà nữa có vườn 6.000m2 diện tích thì có ổi, cóc; còn một nhà gần 1 10.000m2 thì trồng bưởi da xanh, trồng mít! Nói chung là sau khi liên kết 4 hộ với nhau, khu vườn rộng mênh mông đã là điểm đến cực kỳ hấp dẫn của khách, khi trái cây đa dạng, mùa nào thức nấy”.
Ở Long Khánh hiện tại có khoảng 15 nhà vườn nổi tiếng, với quy mô lớn, cung cách phục phụ chuyên nghiệp dành cho khách tham quan có thể kể tới, đó là: Vườn Út Tiêu, vườn Dì 2, nhà vườn Cát Anh (xã Bình Lộc); vườn chú Trong, vườn chú Ánh, vườn chú Tư Lộ, Tư Lai (xã Xuân Lập)... Ngoài những nhà vườn, vựa cây trái lớn đã làm du lịch ra, thì không ít các gia đình bấy lâu chưa khai thác vườn, mà vẫn đang trồng cây bán trái cũng đã và đang có xu hướng chuyển dần sang kinh doanh du lịch bởi nó nhàn hạ hơn mà cho giá trị kinh tế cao hơn.
Thu nhập cao, lợi cả đôi bên
Việc liên kết giữa các cá nhân, tập thể làm mô hình du lịch là có lợi cả đôi bên. Doanh nghiệp du lịch có thêm điểm đến hút khách, người nông dân cũng có thu nhập cao hơn việc trồng cây bán trái truyền thống. Bà Lê Hương (xã Bầu Trâm, Long Khánh) kể rằng, trước kia với diện tích 1,5 héc ta trồng chôm chôm thì mỗi năm bán trái chỉ cho thu nhập cỡ vài trăm triệu đồng. Những năm được mùa rớt giá có khi còn không được ngần ấy. Thế nhưng, từ cách đây 5 năm bà liên kết làm du lịch nhà vườn cho khách tham quan thì hết mùa chôm chôm thu nhập luôn ổn định ở mức cao gấp đôi so với bán trái như xưa.
.jpg)
Một điểm bán vé tham quan vườn trái cây ở Long Khánh
Bà Hương cho hay: “Mỗi vườn trái có mức phí tham quan khác nhau, ví dụ như vườn chôm chôm đầu mùa trái chín thì giá vé là 70.000 đồng/người, nhưng cuối mùa giảm còn 60.000 đồng/người. Khách tham quan vườn ăn thoải mái, bao no chán luôn, và nếu hái trái mang về thì cân mua theo giá thị trường”. Qua tâm sự với bà Hương cũng như nhiều chủ vườn khác liên kết làm du lịch ở Long Khánh, tôi được biết trừ khi người nông dân tự đứng lên làm du lịch cho khách tham quan, còn khi vườn liên kết người nông dân - chủ vườn được hưởng 1 nửa số tiền vé, đơn vị tổ chức tour hưởng một nửa. Ví dụ, vé vào thăm vườn chôm chôm 60.000 đồng/người, thì chủ vườn được 30.000 đồng. Được biết, khi các chủ vườn liên kết làm du lịch, họ sẽ không được phép thu hái trái cây để bán cho thương lái, mà chỉ phục vụ khách tham quan thưởng thức, cùng khách mua mang về nếu họ có nhu cầu...
Mùa chôm chôm nhà vườn Long Khánh thường khai thác du lịch trong khoảng 2 tháng, vào những ngày nghỉ cuối tuần khách đông mỗi vườn thu hút tới ba, bốn trăm lượt người/ngày, còn ngày thường trong tuần cũng cỡ hơn trăm lượt người/ngày. Với lượng khách như vậy, trung bình 1 ngày khách vào vườn cũng mang tới cho chủ tiền triệu trong khi mùa trái cây thường kéo dài trong 2 tháng, đó còn chưa tính tới tiền thu từ bán trái cho khách mang về làm quà, bởi hầu như khách thăm vườn nào cũng mua một ít trái cây do tự tay mình hái. Rõ ràng là thu nhập của các hộ dân có vườn làm du lịch ở Long Khánh tăng cao hơn và cũng là một nguồn thu ổn định.
Nhìn nhận thực tế thì đúng là khách vào thăm vườn, dẫu có háo hức, dẫu có thèm thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng ai ăn được nhiều trái cây, nhất lại là với những khách đi tour nhiều khu vườn, thì với việc họ chỉ “nếm” mấy loại trái, mỗi loại 1 miếng thôi cũng đã đủ no nê. Như vậy chủ vườn sẽ chẳng hề “thiệt hại” là bao, và cái lợi của chủ vườn trong việc bán trái cho khách tham quan là đáng kể. Bà Nga, một chủ vườn chôm chôm (ấp Cây Đa, xã Bình Lộc) cho biết hầu như khách nào vào vườn nhà bà khi về cũng hái một bịch trái đầy. Người ít thì 5-7 kg, người nhiều lên tới cả vài chục kg. Nói chung là kết hợp tiền phí tham quan và tiền bán trái cho khách, các nhà vườn ở đây đều có thu nhập cao, khấm khá hơn nhiều so với trước kia...
Nguồn lợi của người nông dân trồng cây ăn trái tham gia liên kết làm du lịch là vậy, còn với cá nhân, tập thể đứng lên tổ chức mua bán tour phục vụ khách tham quan, họ không chỉ hưởng 50% tiền vé vào thăm vườn, mà họ còn hưởng lợi nhuận từ dịch vụ ăn uống phục vụ khách, khi mà hầu như khách du lịch thăm vườn nào cũng có mua kèm thêm các suất ăn trưa tại nhà hàng, khu ăn uống của họ...
Không riêng gì huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, du lịch nhà vườn cũng đã phát triển tại nhiều địa phương khác như: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Dương... và thu hút được một lượng khách nhất định, tăng theo từng năm. Một mô hình hiệu quả này nên được nhân rộng ra các tỉnh có lợi thế về vườn hoa cây cảnh, và trái cây ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để có thêm những lựa chọn cho nhu cầu của du khách đang ngày một tăng cao.
Nguyễn Việt Hưng
Nguồn: baodulich.net.vn